Nguyên lý kế toán tổng hợp đầy đủ chi tiết
Bài viết dưới đây Ketoanhn.org xin tổng hợp thông tin về Nguyên lý kế toán giúp các bạn mới học kế toán cũng như các bạn chưa biết kế toán có thể hiểu được kế toán là gì? kế toán cần làm những công việc gì?
Nguyên lý kế toán là gì?
Nguyên lý kế toán là việc trình bày và giải thích đối tượng của kế toán, các phương pháp kế toán được sử dụng để thu thập, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin và một số nội dung kế toán cơ bản trong doanh nghiệp. Môn học nguyên lý kế toán sẽ rất bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về kế toán.
Xem thêm: Học cách định khoản nguyên lý kế toán nhanh và hiệu quả nhất
Những thuật ngữ thường dùng trong kế toán:
- Kế toán là quá trình xác định, ghi chép, tổng hợp và báo cáo các thông tin kinh tế cho những người ra quyết định.
- Kế toán tài chính là kế toán thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp cho người quản lý và những đối tượng ngoài doanh nghiệp, giúp họ ra các quyết định phù hợp với mục tiêu mà họ quan tâm.
- Kế toán quản trị là kế toán thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin cho những người trong nội bộ doanh nghiệp sử dụng, giúp cho việc đưa ra các quyết định để vận hành công việc kinh doanh và vạch kế hoạch cho tương lai phù hợp với chiến lược và sách lược kinh doanh.
- Nghiệp vụ kinh tế, tài chính là những hoạt động phát sinh cụ thể làm tăng, giảm tài sản, nguồn hình thành tài sản của đơn vị kế toán.
- Đơn vị kế toán là đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật kế toán có lập báo cáo tài chính:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
b) Đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
c) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
d) Hợp tác xã.
đ) Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác.
- Kỳ kế toán là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính.
- Năm tài chính: được hiểu đơn giản là thời kỳ hạch toán, báo cáo của Doanh nghiệp.
- Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
- Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan đến kế toán.
- Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán uỷ quyền ban hành.
(Gồm có:
- Chế độ kế toán doanh nghiệp: Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế QĐ 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006
- Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ: QĐ 48/2006 ngày 14/09/2006
(Được sửa đổi – bổ sung bởi thông tư 138/2011/TT-BTC)
- Chế độ kế toán công ty chứng khoán: QĐ 99/2000/QĐ-BTC ngày 13/06/2000
- Chế độ kế toán công ty Bảo hiểm: QĐ 1296/1996/QĐ-BTC
- Chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp QĐ 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006
- Đối với sở giao dịch chứng khoán áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp theo QĐ 15/2006 và Thông tư 132/2007 ngày 08/11/2007.
Mới nhất:
– Quyết định 48/2006/QĐ – BTC Ban hành ngày 14/09/2006, Ngày hiệu lực: 23/10/2006
+ Đối tượng áp dụng: áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
+ Được sửa đổi bổ sung tại: Thông tư 138/2011/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi Chế độ kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa kèm theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hàn ngày 04/10/2011, có Hiệu lực: 01/01/2012.
– Thông tư 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014 (Có hiệu lực từ 05/02/2015 và được áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2015.
(Thông tư 200 thay thế Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, Thông tư 244/2009/TT-BTC.)
+ Đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
+ Được sửa đổi – bổ sung điều 128 của TT 200 tại thông tư 75/2015/TT-BTC ngày 18 tháng 05 năm 2015
+ Xem thêm: Bảng hệ thống tài khoản theo thông tư 200 mới nhất
- Kiểm tra kế toán là xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán.
- Hành nghề kế toán là hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán của doanh nghiệp hoặc cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện dịch vụ kế toán.
- Hình thức kế toán là các mẫu sổ kế toán, trình tự, phương pháp ghi sổ và mối liên quan giữa các sổ kế toán.
- Phương pháp kế toán là cách thức và thủ tục cụ thể để thực hiện từng nội dung công việc kế toán.
Đối tượng của kế toán:
Các đối tượng sử dụng thông tin kế toán
– Các nhà quản trị doanh nghiệp
– Cán bộ công nhân viên; các cổ đông; chủ sở hữu.dtkt
– Các bên liên doanh, nhà tài trợ vốn, nhà đầu tư.
– Khách hàng, nhà cung cấp.
– Cơ quan thuế; cục thống kê.
– Các cơ quan quản lý nhà nước và cấp chủ quản.
Đối tượng kế toán là tài sản: thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp cũng như sự vận động, thay đổi của tài sản trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tài sản trong doanh nghiệp bao giờ cũng biểu hiện trên hai mặt: kết cấu của tài sản (cho biết tài sản gồm những gì?) và nguồn hình thành tài sản (cho biết tài sản cho đâu mà có?) do vậy, đối tượng cụ thể kế toán được xác định dựa trên hai mặt này:
– Kết cấu của tài sản bao gồm:
+ Tài sản lưu động: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, nguyên vật liệu, sản phẩm, nợ phải thu, …..
+ Tài sản cố định: nhà xưởng, máy móc thiết bị,…..
Nguồn hình thành tài sản bao gồm:
– Nợ phải trả: vay ngắn hạn, vay dài hạn,….
– Nguồn vốn chủ sở hữu: nguồn vốn kinh doanh, lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối tượng cụ thể của của kế toán bao gồm các giai đoạn khác nhau của quá trình tái sản xuất trong doanh nghiệp.
Khác với các môn khoa học kinh tế khác, kế toán còn là công cụ phục vụ yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị kinh tế cơ sở, thông qua việc cung cấp các thông tin cán thiết cho Ban Giám đốc hay Hội đồng quản trị. Vì vậy đối tượng của kế toán là “Sự hình thành và tình hình sử dụng các loại tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong một đơn vị kinh tế cụ thể” nhằm quản lý khai thác một cách tốt nhất các yếu tố sản xuất trong quá trình tái sản xuất xã hội.
Để hiểu rõ hơn đối tượng nghiên cứu của kế toán chúng ta cần đi sâu nghiên cứu về vốn, trên 2 mặt biểu hiện của nó là tài sản và nguồn hình thành tài sản và sau nữa là quá trình tuần hoàn của vốn. Để nghiên cứu được toàn diện mặt biểu hiện này, trước hết sẽ nghiên cứu vốn trong các tổ chức sản xuất vì ở các tổ chức này có kết cấu vốn và các giai đoạn vận động của vốn một cách tương đối hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó chúng ta có thể dễ dàng xem xét các mặt biểu hiện nêu trên trong các đơn vị kinh tế khác.
Như vậy : Đối tượng kế toán là sự hình thành, và sự biến động của tài sản mà kế toán cần phản ánh và giám đốc trong quá trình hoạt động của đơn vị và nó được thể hiện ở 2 mặt là Tài Sản và Nguồn Vốn ( nguồn hình thành lên tài sản).
Trong đó:
– Tài sản là những thứ mà DN có quyền sở hữu, có quyền kiểm soát lâu dài: được dùng để thanh toán, trao đổi phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh
– Nguồn vốn Là nguồn hình thành lên Tài sản
TÀI SẢN | NGUỒN VỐN |
+ Nhà cửa, máy móc, thiết bị , kho tàng, phương tiện, vận tải. + Các loại nguyên vật liệu ( NVL chính, NVL phụ, nhiên liệu…) + Công cụ dụng cụ + Hàng hoá, thành phẩm + Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng…. |
+ Nợ phải trả – các khoản đi vay + Nguồn vốn chủ sở hữu |
Chức năng và nhiệm vụ của hệ thống kế toán:
- Quan sát, thu nhận và ghi chép một cách có hệ thống hoạt động kinh doanh hàng ngày các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và các sự kiện kinh tế khác.
- Phân loại các nghiệp vụ và sự kiện kinh tế thành các nhóm và các loại khác nhau, việc phân loại này có tác dụng giảm được khối lượng lớn các chi tiết thành dạng cô đọng và hữu dụng.
- Tổng hợp các thông tin đã phân loại thành các báo cáo kế toán đáp ứng yêu cầu của người ra các quyết định.
Ngoài ra, quá trình kế toán còn bao gồm các thao tác như việc truyền đạt thông tin đến những đối tượng quan tâm và giải thích các thông tin kế toán cần thiết cho việc ra các quyết định kinh doanh riêng biệt.
Lưu ý: Thuật ngữ “nghiệp vụ kinh tế phát sinh” chỉ một hành động đã hoàn thành chứ không phải một hành động dự kiến hoặc có thể xảy ra trong tương lai.
Yêu cầu đối với kế toán:
– Trung thực:Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
– Khách quan: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.
– Đầy đủ:Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.
– Kịp thời: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ.
– Dễ hiểu: Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.
– Có thể so sánh: Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán.
Đơn vị tính trong kế toán:
- Đơn vị tiền tệ sử dụng kế toán là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”.
Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, đơn vị kế toán phải đồng thời theo dõi nguyên tệ và quy đổi ra Đồng Việt Nam để ghi sổ kế toán trừ trường hợp pháp Luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ khác có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam và ngoại tệ cần quy đổi.
Đơn vị kế toán có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh chủ yếu bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ trong kế toán, chịu trách nhiệm về lựa chọn đó trước pháp Luật và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra đơn vị tiền tệ trong kế toán và chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trừ trường hợp pháp Luật có quy định khác.
- Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước khi phát sinh các khoản thu, chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Các đơn vị hiện vật và đơn vị thời gian lao động sử dụng trong kế toán bao gồm tấn, tạ, yến, kilôgam, mét vuông, mét khối, ngày công, giờ công và các đơn vị đo lường khác theo quy định của pháp Luật về đo lường.
- Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh khi lập báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tài chính hợp nhất từ báo cáo tài chính của các công ty con, đơn vị kế toán trực thuộc hoặc đơn vị kế toán cấp trên trong lĩnh vực kế toán nhà nước khi lập báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tổng quyết toán ngân sách năm từ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị cấp dưới nếu có:
+ Ít nhất 1 chỉ tiêu trên báo cáo có từ 9 chữ số trở lên thì được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là nghìn đồng (1.000 đồng),
+ Từ 12 chữ số trở lên thì được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là triệu đồng (1.000.000 đồng),
+ Từ 15 chữ số trở lên thì được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là tỷ đồng (1.000.000.000 đồng).
- Đơn vị kế toán khi công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn theo quy định tại khoản 4.
- Khi sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn, đơn vị kế toán được làm tròn số bằng cách: Chữ số sau chữ số đơn vị tiền tệ rút gọn nếu bằng 5 trở lên thì được tăng thêm 1 đơn vị; nếu nhỏ hơn 5 thì không tính.
Cắn cứ nguồn:
+ Điều 10, Luật kế toán số 88/2015/QH13, hiệu lực 01/01/2017
+ Điều 4, Nghị định 174/2016/NĐ-CP, hiệu lực 01/01/2017
Kỳ kế toán:
Kỳ kế toán là khoản thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khoá sổ kế toán để lập báo cáo tài chính.
a) Kỳ kế toán năm là mười hai tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là mười hai tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và thông báo cho cơ quan tài chính biết.
Trường hợp cơ sở giáo dục – đào tạo chọn kỳ kế toán năm theo năm học khác với năm dương lịch thì kỳ kế toán năm phải là mười hai tháng tròn tính từ đầu ngày 01 tháng 7 năm này đến hết ngày 30 tháng 6 năm sau hoặc từ ngày 01 tháng 10 năm này đến hết ngày 30 tháng 9 năm sau. Khi thực hiện phải thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết, cuối năm dương lịch vẫn phải lập báo cáo tài chính theo quy định.
(Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 128/2004/NĐ-CP – Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị định này (sau đây gọi tắt là lĩnh vực kế toán nhà nước).
b) Kỳ kế toán quý là ba tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;
c) Kỳ kế toán tháng là một tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Để có thể hiểu hơn về nguyên lý kế toán bạn có thể xem thêm: Hai Mẫu bài tập nguyên lý định khoản kế toán có đáp án lời giải
Trên đây là bài viết Ketoanhn.org tổng hợp được về Nguyên lý kế toán hi vọng giúp ích được các bạn
Nếu bạn có muốn bổ sung kiến thức về thuế, kế toán tổng hợp có thể tham gia một Lớp học kế toán tổng hợp thực hành tại Trung tâm kê toán Hà Nội
Hotline: 0974 975 029 (Mr Quân)