Không cần giấy tờ tùy thân khi khám chữa bệnh BHYT từ năm 2020
Đã nhiều năm, chứng minh nhân dân hay các giấy tờ tùy thân khác là một phần không thể thiếu của hồ sơ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, từ năm tới, khi đi khám, chữa bệnh, người dân đã có thể bỏ qua loại giấy tờ này.
Thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ, khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bắt buộc người dân phải xuất trình thẻ BHYT, có thể là thẻ có ảnh hoặc không có ảnh.
Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu… hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã, giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
Với một số đối tượng đặc biệt, hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT còn có thể:
– Đối với trẻ dưới 6 tuổi:
Nếu chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh.
Trường hợp phải điều trị ngay sau sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.
– Đối với người chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ:
Xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ do cơ quan BHXH cấp và 01 loại giấy tờ chứng minh nhân thân.
– Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể:
Tùy từng trường hợp (có thẻ BHYT hay đang trong thời gian chờ cấp lại, đổi thẻ) để xuất trình các loại giấy tờ phù hợp nêu trên.
Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.
– Đối với người chuyển tuyến khám, chữa bệnh:Xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến.
– Đối với người khám lại theo yêu cầu điều trị: Xuất trình giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh.
– Đối với người cấp cứu:
Được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và xuất trình các loại giấy tờ phù hợp nếu có thẻ BHYT hoặc chờ cấp lại, đổi thẻ trước khi ra viện.
– Đối với người đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú:
Được khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và xuất trình các loại giấy tờ phù hợp đã nêu và một trong những giấy tờ (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.
Có thể thấy, thủ tục khám chữa bệnh BHYT hiện nay khá phức tạp. Mỗi đối tượng khác nhau sẽ phải đem theo những loại giấy tờ khác nhau. Nếu thiếu hoặc bổ sung chậm rất dễ gặp khó khăn, rắc rối trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
>>Xem thêm: Các đối tượng được thanh toán 100% bảo hiểm y tế là những ai
Từ 2020, thay thẻ BHYT giấy bằng thẻ BHYT điện tử
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý khác của Nghị định 146 nêu trên nhằm hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể tại khoản 5 Điều 42, chậm nhất đến ngày 01/01/2020, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được phát thẻ BHYT điện tử.
Những người đã có thẻ giấy được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thẻ BHYT điện tử được làm bằng nhựa, kích cỡ tương đương thẻ ATM và được gắn chíp ứng dụng công nghệ do Việt Nam làm chủ.
Các nội dung cơ bản trên thẻ bao gồm: Mã số, họ và tên, ngày tháng năm cấp thẻ. Còn những nội dung khác như giới tính, nơi cư trú, cơ sở khám chữa bệnh… sẽ được quản lý trực tiếp trên phần mềm nghiệp vụ.
Điều đặc biệt, loại thẻ này cho phép xác nhận người bệnh thông qua công nghệ sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt…) một cách nhanh chóng, chính xác.
Do đó, khi đi khám chữa bệnh, người dân cũng không cần mang theo các giấy tờ tùy thân cũng như rút ngắn được thời gian kiểm tra, giám định, thanh toán các chi phí theo phương thức thủ công như hiện nay.
Hơn thế nữa, thẻ có tính năng tích hợp, liên kết, lưu trữ thông tin, nhờ vậy mà thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị của người bệnh khi toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh được lưu lại trên thẻ.
Trên đây là bài viết Không cần giấy tờ tùy thân khi khám chữa bệnh BHYT từ năm 2020 mà Ketoanhn.org tổng hợp được hi vọng giúp ích được bạn trong công việc.
Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan cần giải đáp bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. Tổng đài hỗ trợ tư vấn miễn phí: 1900 6246
Ketoanhn.org chúc bạn làm tốt công việc