Hướng dẫn xác định đối tượng kê khai thuế GTGT năm 2018 mới nhất
Hướng dẫn xác định đối tượng kê khai thuế GTGT năm 2018 mới nhất. Áp dụng cho mọi doanh nghiệp theo thông tư 200, Thông tư 133, Quyết Định 48.
Cách xác định đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý:
Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý:
Được quy định tại Điều 15 Thông tư số 151/2014/TT-BTC
Khai thuế theo quý áp dụng đối với người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.
Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh việc khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý.
Ví dụ :
– Doanh nghiệp A bắt đầu hoạt sản xuất kinh doanh từ tháng 01/2015 thì năm 2015 doanh nghiệp A thực hiện khai thuế GTGT theo quý. Doanh nghiệp căn cứ vào doanh thu của năm 2015 (đủ 12 tháng của năm dương lịch) để xác định năm 2016 thực hiện khai thuế tháng hay khai quý.
– Doanh nghiệp B bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 8/2014 thì năm 2014, 2015 doanh nghiệp B thực hiện khai thuế GTGT theo quý. Doanh nghiệp căn cứ vào doanh thu của năm 2015 để xác định năm 2016 thực hiện khai thuế theo tháng hay theo quý.
Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo tháng hay khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.
Trường hợp người nộp thuế đủ điều kiện và thuộc đối tượng khai thuế GTGT theo quý muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì gửi thông báo (theo Mẫu số 07/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là cùng với thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của tháng đầu tiên của năm bắt đầu khai thuế GTGT theo tháng.
Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng:
Những Doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề > 50 tỷ đồng thì kê khai thuế GTGT theo tháng.
Chu kỳ kê khai theo Tháng/Quý:
– Việc thực hiện khai thuế theo quý hay theo tháng được ổn định trọn năm dương lịch và ổn định theo chu kỳ 3 năm.
– Riêng chu kỳ ổn định đầu tiên được xác định tính kể từ ngày 01/10/2014 đến hết ngày 31/12/2016.
Hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng, quý theo phương pháp khấu trừ:
– Tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu số 01/GTGT.
>>Xem thêm: Hướng dẫn cách kê khai thuế GTGT hàng tháng và hàng quý trên Mẫu số 01/GTGT
Cách xác định đối tượng kê khai thuế GTGT theo Phương pháp khấu trừ:
Được quy định tại Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:
a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ;
b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.
Những Doanh nghiệp được đăng ký tự nguyện áp dụng Phương pháp khấu trừ gồm:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
d) Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
đ) Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.
(Theo điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC)
=> Những đối tượng trên nếu muốn kê khai thuế GTGT khấu trừ thì nộp Mẫu Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
– Thời hạn chậm nhất là trước thời hạn nộp hồ sơ khai thuế kỳ đầu tiên.
– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuếGTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.
(Theo Công văn 4253/TCT-CS ngày 20/9/2017 của Tổng cục thuế)
Cách xác định đối tượng kê khai thuế GTGT theo Phương pháp Trực tiếp:
Kê khai thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp trên GTGT:
– Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp kinh dooanh hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.
– Cách tính thuế:
Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
– Hồ sơ kê khai: Mẫu 03/GTGT.
Kê khai thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu:
– Đối tượng áp dụng:
+ Doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng (trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế).
+ Doanh nghiệp mới thành lập không đăng ký mẫu 06/GTGT áp dụng phương pháp khấu trừ.
– Cách tính thuế GTGT:
Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu
Trong đó:
Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
– Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
– Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.
Ví dụ: Công ty Kế Toán Hà Nội là doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty Kế Toán Hà Nội có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp thì Công ty Kế Toán Hà Nội không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp.
>>Xem thêm: Hướng dẫn kê khai thuế GTGT Phương pháp trực tiếp trên doanh thu
Trên đây là bài viết Hướng dẫn xác định đối tượng kê khai thuế GTGT năm 2018 mới nhất mà Ketoanhn.org tổng hợp được hi vọng sẽ giúp ích được bạn trong công việc.
Ketoanhn.org xin chúc bạn làm tốt công việc kế toán
Kết nối với chúng tôi: https://www.facebook.com/ketoanhn.org/